TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HÒA NHẬP TỈNH QUẢNG NGÃI, 20 NĂM – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG!

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi, 20 năm – Một chặng đường!

 20 năm trước, Trường giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi đã ra đời theo Quyết định số 21/2005/QĐ-UB ngày 15/02/2005. Đến ngày 17/11/2016, Trường được chuyển đổi thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN tỉnh Quảng Ngãi như ngày nay theo quyết định 2272/ QĐ- UBND ngày 17/11/2016 của Chủ tịch UBND Tỉnh. Trải qua 20 năm từ ngày thành lập, một địa chỉ về chăm sóc giáo dục cho trẻ khuyết tật của tỉnh trải qua những thăng trầm nhưng cũng mang lại nhiều giá trị và thành quả trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Trung tâm xin giới thiệu đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của đơn vị.

Đầu năm 2005, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh Quảng Ngãi. Với Quyết định đó, nhiều người lúc ấy đã nghĩ đến một trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật tỉnh nhà hay một mô hình trung tâm để thực hiện nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật như các trung tâm đối tượng chính sách khác. Tuy nhiên, trong nhận thức của lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục đang hướng tới một Trung tâm nguồn cho giáo dục khuyết tật tỉnh trong tương lai.

Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc đầu tiên của ngành Giáo dục là xây dựng quy mô tổ chức hoạt động của một cơ sở giáo dục và tiến hành thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cùng với việc tham mưu các cấp ban hành các cơ chế chính sách và chế độ cho đội ngũ trực tiếp quản lý, giảng dạy, chăm sóc và thậm chí cả với học sinh trong loại hình giáo dục đặc biệt. Song song đó là việc thiết kế dự án, lựa chọn vị trí xây dựng trường.

Trên tinh thần quyết tâm cao, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, bộ khung quản lý trường được thành lập ngay từ những ngày sau quyết định: Thạc sỹ Lê Trung Tiên: nguyên Phó Giám đốc trung tâm GDTX thị xã Quảng Ngãi được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng; Thầy Giáo Trương Quang Nghĩa, cán bộ thuộc Sở GD&ĐT, cô Trần Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Phú I được điều động và bổ nhiệm là các Phó Hiệu trưởng nhà trường. Một số lực lượng nhân viên, giáo viên cũng được điều động từ các cơ sở giáo dục trong tỉnh về tham gia quá trình học tập kinh nghiệm, tham mưu xây dựng các hệ thống văn bản, nội dung chương trình, kế hoạch tổ chức hoạt động và các vấn đề liên quan khác cho một mô hình mới của địa phương.

Trong thời kỳ đầu, do chưa có cơ sở chính thức để hoạt động, bộ khung của nhà trường phải mượn một số phòng chức năng của Trường Nội trú dân tộc Tỉnh để làm việc. Tại đây, từ năm học 2006- 2007, hai lớp học đầu tiên cho trẻ khuyết tật đã được khai giảng và tổ chức dạy học. Tổng số học sinh của năm đầu tiên là 40 em, đây là những trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ khiếm thính trên địa bàn toàn tỉnh. Các em có độ tuổi từ 8-15, đa số đều chưa được đến trường. Đội ngũ thầy cô giáo ngoài bộ khung quản lý là các giáo viên đã được tham gia các khóa tập huấn đào tạo từ các Dự án về giáo dục trẻ khuyết tật tại Quảng Ngãi những năm về trước: Cô Bùi Thị Kim Khánh, cô Nguyễn Thị Nhi, cô Nguyễn Thị Nghị, cô Trần Thị Ngọc Trâm.

Việc tổ chức hoạt động dạy học và nuôi dưỡng các em trong những ngày đầu gặp không ít khó khăn. Bên cạnh sự thiếu về nhân lực đội ngũ; cơ sở vật chất lớp học phải mượn tạm; chương trình, nội dung giáo dục phải tự nghiên cứu xây dựng và điều chỉnh theo quan điểm của Quyết định 23/ QĐ- BGD&ĐT về GDHN cho trẻ khuyết tật. Ngoài việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho 40 em tại đơn vị, một nhiệm vụ phải góp phần thúc đẩy giáo dục hòa nhập theo chỉ đạo của ngành cũng được nghiêm túc triển khai: thực hiện khảo sát thống kê trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh, tham gia thực hiện các lớp tập huấn, báo cáo chuyên đề về giáo dục trẻ khuyết tật cho các địa phương, tham mưu các đề án phát triển giáo dục trẻ khuyết tật cho ngành và những vấn đề về chế độ chính sách trong giáo dục trẻ khuyết tật của địa phương…

Công việc bề bộn với nhiều nội dung mới, nhưng cũng thật may mắn đó là nhà trường sớm có một tập thể thầy cô giáo rất giàu kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy và hoạt động phong trào: Thầy Lê Trung Tiên, từng làm quản lý ở các trường phổ thông trên 20 năm, Thầy Trương Quang Nghĩa vừa tham gia giảng dạy, quản lý, thậm chí còn là cán bộ biệt phái ở vùng khó về, Cô Trần Thị  Thu Thủy, từng là cựu Tổng phụ trách đội xuất sắc đầy kỹ năng công tác GD trẻ và pha trò, cô Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn Thị Nghị,… là các GV dạy giỏi từ các cơ sở. Bên cạnh đó, nhà trường rất được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Sở GD&ĐT lúc bấy giờ: Các Thầy Lê Văn Vĩnh, thầy Thái Văn Đồng, nguyên giám đốc Sở, thầy Trần Ngọc Ngân, thầy Vũ Đức Tế, Cô Phạm Thị Hoàng Phượng- PGĐ Sở, Thầy Phạm Bình Nguyên- TP Tiểu học, thầy…. Phiên, Cô Lê Thị Minh Ánh,.. chuyên viên Phòng GD Tiểu học đã thường xuyên thăm hỏi, động viên, luôn tạo điều kiện để chúng tôi được học tập kinh nghiệm và chia sẻ công việc. Có thể nói đây là giai đoạn chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục, ứng xử và giải quyết nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục đặc biệt của địa phương.

Đầu xuân 2008,Trường mới có địa chỉ tại 152, Nguyễn Đình Chiểu hoàn thành một số hạng mục: nhà ở nội trú cho học sinh có 6 phòng sức chứa 60 em, nhà ăn nội bán trú với sức chứa khoảng 100 em và 01 dãy lớp học 6 phòng. Thầy và trò vui mừng chuyển về nơi đây và tiếp tục với hoạt động dạy học, giáo dục các em với bao hy vọng. Những ngày đầu về trường mới, thầy trò chúng tôi thực sự vui mừng bởi được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục, ngôi trường mới cho những đứa trẻ không may mắn đã được tọa lạc trên mảnh đất gần 10.000m2, nằm trên con đường mang tên danh nhân văn hóa dân tộc Nguyễn Đình Chiểu. Thầy trò chúng tôi thấu hiểu mong muốn của lãnh đạo tỉnh, ngành Giáo dục cũng như sự mong đợi của người dân địa phương: cần phải nổ lực để giúp các em có thể học tập và làm được những gì như cụ đồ Chiểu ngày xưa.

Niềm vui, thách thức trong công việc luôn là động lực để chúng tôi nổ lực, bên cạnh sự phấn khởi, hồ hởi khi làm việc trong ngôi trường mới thì cũng là thời điểm bắt đầu xuất hiện cho những kế hoạch, trách nhiệm và định hướng mới. Đã có trường là phải tính đến sự phát triển, mở rộng nhất là việc tuyển dụng nhân lực, việc khảo sát và chiêu sinh học sinh, việc tiếp tục tham mưu để xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu của một sơ sở mới,…Chúng tôi còn nhớ, cái năm đầu tiên, khi mùa hè đến, sân trường chưa có một bóng cây, cái nắng, cái nóng đầu mùa của miền Trung cứ táp vào da thịt chúng tôi, làm cho sự khó khăn vất vả trong công việc càng nhân lên, nhưng có lẽ thương nhất lúc đó là sự khó chịu, bực bội được thể hiện trên những khuôn mặt ngờ nghệch của học sinh trong các buổi ăn trưa,…. Lại nói đến mùa mưa, vốn trường được xây trên vùng ruộng mía, mặt nền sân là đất mới, do chưa được bê tông hóa nên khi đưa con vào lớp học những chiếc xe của phụ huynh đã biến sân trường thành những… đám ruộng và tất nhiên nó sẽ là nơi khám phá của em sau những giờ giải lao,…Có được niềm vui này lại nãy sinh sự khó nhọc khác….

Thật may mắn, khi có được trường mới, lực lượng giáo viên, nhân viên được lãnh đạo Sở GD tăng cường tuyển dụng, điều chuyển bổ sung kịp thời giúp nhà trường vừa giải quyết những khó khăn trong thực thi công việc vừa để chuẩn bị cho những kế hoạch mới. Các cô giáo có nhiều kinh nghiệm giảng dạy từ các vùng khó được tiếp tục điều chuyển về: Cô Xếp, Cô Thắng, cô Hằng, cô Tuyền, cô Thanh,… Một số lực lượng trẻ có chuyên môn giáo dục đặc biệt được bổ sung như Cô Phụng, cô Huệ, một số thầy cô giáo chuyên môn đặc thù như thầy Hưng (TDTT), cô Vân (Mỹ thuật) cũng được tuyển dụng mới, bổ sung vào lực lượng giáo viên nồng cốt của đơn vị. Do vậy từ các năm học 2008-2009, 2009-2010 số học sinh đã bắt đầu được tăng dần từ 40 em lên 60 rồi 80 em.

Năm 2010, năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật trong cả nước: Luật người Khuyết tật 51/2010/ QH12 ngày 17/6/2010 ra đời đã đem đến nhiều cơ hội cho trẻ khuyết tật được tham gia học tập, sinh sống và phát triển. Nhiều hành lang pháp lý về quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ, giáo dục chăm sóc người khuyết tật giúp cho các cơ quan ban ngành có những thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan về người khuyết tật. Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng đã kịp thời ban hành các chương trình khung cho giáo dục chuyên biệt trẻ khiếm thính, trẻ KTTT ở các nhà trường chuyên biệt. Có thể nói đây là cánh của mở lối cho nhà trường bước vào giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo.

Từ năm học 2010-2011, bên cạnh việc hoàn thiện cơ bản các hạng mục cần thiết của Dự án Trường như: Nhà Đa chức năng, dãy lớp học số 2, dãy phòng phục hồi chức năng (Do ngân hàng NN tài trợ); Những văn bản về chính sách cho người khuyết tật được ban hành: Nghị định 28/2012/NĐ-CP ban hành hướng dẫn thực hiện một số điều về Luật người khuyết tật; Thông tư 58/2012/TTLT-BGD&ĐT-BLĐTB&XH về Quy định thành lập, giải thể Trung tâm Hỗ trợ; Thông tư liên tịch 42/2013/BGD&ĐT-BTC-BLĐTB&XH về thực hiện chế độ chính sách cho người khuyết tật,… Các tác động khách quan đó đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện trong xây dựng các nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, cơ cấu tổ chức, chức năng hoạt động các bộ phận, các quy chế, quy định của cơ quan từng bước được hoàn chỉnh và đi vào ổn định. Lực lượng giáo viên, nhân viên tiếp tục được bổ sung, số lượng học sinh tiếp tục tăng cả về lượng và chất, từ 80 em lên dần 100 em trong năm học 2012-2013. Thời điểm này, Trường giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh đã được các ban ngành chức năng trong tỉnh, người dân địa phương và cộng đồng xã hội biết đến như là một ngọn cờ đầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục đặc biệt góp phần trong thành tích chung của giáo dục tỉnh nhà theo nghị quyết Đại hội các cấp đề ra. Chính lẽ đó năm học 2012-2013, đơn vị đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Một dấu ấn trong thành tích đạt được ở giai đoạn này đó là sự vận dụng hiệu quả các quan điểm giáo dục cho trẻ khuyết tật: hạn chế các điểm yếu, phát huy các điểm mạnh để tiếp cận các phương pháp, nội dung giáo dục giúp trẻ có những chuyển biến tích cực đạt những thành tích tốt, từ đó kích thích trẻ học tập, rèn luyện và tăng cường các ý chí, niềm vui trong cuộc sống. Các hoạt động như tham gia các lớp định hướng nghề, tổ chức các chương trình văn nghệ tại trung tâm, phối hợp cùng các cơ sở giáo dục, tham gia hội thi thể thao trong tỉnh, toàn quốc,… (Từng đoạt các giải nhì, giải ba toàn đoàn trong các Hội thi thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật ở các năm 2011, 2013, 2015), qua đó đơn vị đã tạo được sân chơi thực sự bổ ích cho các em và giúp nhà trường tạo được nhiều mối quan hệ tích cực trong cộng đồng.

Năm 2015, đánh giá sau ba năm triển khai thực hiệnThông tư 58/2012/ TTLT-BGD&ĐT-BLĐTB&XH đã đặt ra cho các nhà trường phải hướng tới mô hình đầy nhân văn và phù hợp với sự phát triển của nền giáo dục trong giai đoạn mới: triển khai giáo dục hòa nhập, giáo dục tôn trọng mọi đối tượng. Đây cũng là ý tưởng ngay từ khi bất đầu thành lập nhà trường của lãnh đạo tỉnh nhà.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở GD&ĐT, sự đồng thuận của các cấp ngành và người dân, Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi được ra đời trên cơ sở nâng cấp Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh theo Quyết định 2272/QĐ-UBND của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 17/11/2016     (thời điểm này cả nước mới chỉ có 4 trung tâm: Vĩnh Long, Đaklak, Phú Yên và TP HCM). Ngoài chức năng giáo dục chuyên biệt hướng tới hòa nhập như trước đây, đơn vị còn có thêm các chức năng mới: Phát hiện can thiệp trẻ khuyết tật (giai đoạn độ tuổi mầm non); Hỗ trợ công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở các cơ sở giáo dục bình thường (hỗ trợ trẻ, nhà trường và phụ huynh); Định hướng nghề nghiệp và phục hồi chức năng. Ngoài ra còn phải làm công tác điều tra, thống kế và tham mưu các giải pháp về giáo dục trẻ khuyết tật của địa phương cho các cấp ngành.

Với trách nhiệm nặng nề đó năm đầu (2017) mới chuyển đổi thực sự là quá nhiều khó khăn cho đơn vị: Nhiều chức năng mới  chưa được tập huấn bồi dưỡng, nhân lực tại đơn vị bị hao hụt vì lớp cán bộ giáo viên nòng cốt giai đoạn đầu đã đến tuổi về hưu (5 CBGV), lực lượng mới 5 năm chưa được tuyển dụng (do tình hình chung), thời điểm đó đơn vị chỉ còn 16 biên chế chính thức/ 37 biên chế  được giao, còn lại là một số giáo viên, nhân viên hợp đồng. May thay, với trách nhiệm và quyết tâm của Ngành, Dự án về công tác GDHN do tổ chức CBM phối hợp trường Đại học sư phạm Hà nội được triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi, cùng với đó, đầu năm 2018, công tác tuyển dụng viên chức được UBND tỉnh tiếp tục triển khai, một lực lượng giáo viên trẻ được bổ sung cho đội ngũ của đơn vị (8 giáo viên). Năm học 2018-2019, các chức năng  hoạt động mới của mô hình Trung tâm bắt đầu được hình thành một cách rõ nét. Lãnh đạo Sở, Phòng giáo dục Tiểu học có nhiều quan tâm trong việc tham gia hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn nhất là các công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập, thực hiện can thiệp sớm,… bằng những văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở giáo dục cùng phối hợp. Các chuyên gia đến từ Trường Đại học sư phạm Hà nội, thường xuyên ra vào để tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho lực lượng cốt cán giáo dục trẻ khuyết tật của tỉnh trong thời gian kéo dài 4 năm (2018-2021).

Được tập huấn, bồi dưỡng thông qua các nội dung chương trình của Dự án  đã mở ra nhiều hướng đi để triển khai các chức năng mới của mô hình trung tâm. Tuy nhiên nhiều vấn đề đặt ra khi triển khai thực hiện: các chế độ chính sách, các quy phạm pháp luật để triển khai chưa có, quy chế phối hợp giữa đơn vị và các cơ sở chưa được xây dựng, nhận lực vẫn chưa đủ cả về số lượng lẫn chất lượng, áp lực trẻ khuyết tật đến trường ngày càng đông và càng đa dạng về loại tật và độ tuổi. Điều may mắn trong thời điểm này đó là đơn vị đang có một lực lượng đội ngũ trẻ đầy nhiệt huyết, cùng với lớp thầy cô giáo đầy kinh nghiệm, một tập thể đoàn kết và khí thế của tinh thần đổi mới giáo dục theo chương trình sách giáo khoa 2018.

Thời điểm 2019-2020 khi chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước qua việc thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập thể Trung tâm nhận thấy đây như là một cơ hội để bứt phá và chuyển mình để kết thúc nhiệm kỳ góp phần xây dựng một Trung tâm có uy tín trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và mô hình mới nói riêng.

Không được như mong đợi, đại dịch Covid 19 bùng nỗ, hoạt động của nhà trường cũng chịu ảnh hưởng như những nơi khác. Điều đặc biệt với đơn vị đó là: đối tượng học sinh là các em nhận thức hạn chế, có thể trạng yếu, điều kiện gia đình rất khó khăn, đơn vị lại tổ chức dạy học, quản lý giáo dục các em 24/24. Mọi kế hoạch tổ chức dạy học trong đơn vị đều phải tuân thủ các quy định của ngành và phải đảm báo được sự an toàn tốt nhất cho trẻ. Trách nhiệm càng nặng nề hơn trên đôi vai của những người thầy trong thời kỳ Đại dịch. Điều thuận lợi trong công tác phòng chống đại dịch tại đơn vị đó là: có nhân viên y tế chuyên trách, các lực lượng nhân viên, giáo viên trẻ linh hoạt, năng động, khỏe mạnh. Sự nghiêm túc tuân thủ các quy định trong chỉ đạo chung cũng như việc thực hiện phương án phòng dịch tại đơn vị. Hơn nữa, trong thời điểm đại dịch, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các mạnh thường quân đã hỗ trợ các trang thiết bị tối thiểu, cần thiết. Do đó hơn 02 năm đại dịch, có thể nói đơn vị đã chiến thắng và không để lại một tổn thương nào đáng kể. Trong những năm đại dịch đơn vị vẫn được lãnh đạo Ngành, lãnh đạo tỉnh ghi nhận trao tặng các phần thưởng cao quý (đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm 2020-2022, nhận Cờ thi đua dẫn đầu khối Cụm 2022).

Tháng 12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 20/BGD&ĐT về Quy chế tổ chức hoạt động Trung tâm hỗ trợ GDHN tỉnh, đây được xem như là một cánh cửa mới giúp Trung tâm tháo gở những khó khăn trong triển khai hoạt đông các chức năng từ khi được thành lập. Các chức năng được các bộ phận tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện một cách cụ thể khoa học và đảm bảo tính hiệu năng hiệu quả: Giáo dục chuyên biệt theo độ tuổi cấp tiểu học và Điều lệ Trường Tiểu học  cho 100 em HS khuyết tật hai dạng Khiếm thính và KTTT; Hoạt động hỗ trợ GDHN trên cơ sở đăng ký phối hợp của các cơ sở giáo dục và các phòng chức năng; Công tác định hướng nghề dành cho các đối tượng có độ tuổi lớn hơn, có khả năng học nghề và đối tượng người khuyết tật cộng đồng; Hoạt động can thiệp  phát hiện sớm dành cho độ tuổi mầm non và trẻ có nguy cơ trong cộng đồng; Hoạt động phục hồi chức năng cho những trẻ đa tật. Tuy vậy, không phải mọi công viêc và hướng đi của đơn vị đã hoàn toàn tốt đẹp- vẫn còn đó nhiều bài toán đặt ra cho đơn vị của giai đoạn phát triển mới: Lực lượng giáo viên đa cấp học, thiết bị, phương tiện phù hợp đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ khuyết tật; Sự phối kết hợp và đồng hành của các cơ sở giáo dục, quý bậc phụ huynh và lực lượng cộng đồng,… Nhưng tin tưởng vào sự phát triển của dân tộc trong thời đại mới, kỷ nguyên mới và với tất cả những gì chúng tôi đang có cùng với sự chung tay rất lớn của cộng đồng xã hội, chúng tôi luôn tin tưởng sẽ có những thay đổi to lớn cho giai đoạn tiếp theo của đơn vị.

Thay mặt lãnh đạo và tập thể trung tâm, nhân dịp kỷ niệm này, xin gửi đến tất cả sự tri ân và niềm hy vọng. Tất cả chúng ta sẽ nổ lực tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất cho những mãnh đời không may mắn!

Giám đốc: ThS. Trần Văn Thế